Nguồn gốc Evarts (lớp tàu hộ tống khu trục)

Vào tháng 6 năm 1941, tận dụng những lợi điểm của Chương trình Cho thuê-Cho mượn của Hoa Kỳ, chính phủ Hoàng gia Anh đề nghị phía Hoa Kỳ thiết kế, chế tạo và cung cấp một kiểu tàu hộ tống phù hợp cho chiến tranh chống ngầm trong bối cảnh chiến tranh tại Đại Tây Dương.[2] Những đặc trưng cụ thể bao gồm một chiều dài 300 foot (90 m), đạt vận tốc tối đa 20 hải lý trên giờ (37 km/h), dàn pháo chính lưỡng dụng (chống hạm lẫn phòng không) và một cầu tàu dạng mở.[3]

Hải quân Hoa Kỳ đã từng xem xét về triển vọng của một kiểu tàu như vậy từ năm 1939 và khi Đại tá Hải quân Edward L. Cochrane thuộc Văn phòng Tàu chiến Hải quân Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Anh vào năm 1940 đã xem xét các kiểu tàu corvettetàu khu trục lớp Hunt, và đã đưa ra một thiết kế cho loại tàu này.[4] Nhu cầu về một kiểu tàu chiến như thế này sẽ rất lớn, nên cần phải giải quyết một "nút thắt cổ chai" trong quá trình chế tạo: sản xuất hộp số giảm tốc xoắn ốc kép cần thiết cho động cơ tuốc bin hơi nước của tàu khu trục.[5][3] Việc sản xuất hộp số giảm tốc không thể dễ dàng tăng tốc, vì chỉ riêng những máy móc chính xác cần thiết cũng phải mất một năm để chế tạo.[3] Do đó một thiết kế đang sẵn sàng và đã được chứng minh của hệ thống động lực diesel-điện, vốn được sử dụng trên tàu ngầm, sẽ được áp dụng.

Khi phía Anh đề đạt những yêu cầu này, Đô đốc Harold Rainsford Stark, Tư lệnh Tác chiến Hải quân Hoa Kỳ, quyết định xúc tiến những kế hoạch này và đề xuất chấp nhận đặt hàng của Anh.[6] Hãng thiết kế hàng hải Gibbs & Cox được giao nhiệm vụ thiết kế đã thực hiện nhiều thay đổi cho quy trình chế tạo cũng như trên bản thiết kế gốc cùa Đại tá Cochrane; đáng kể nhất là xóa bỏ một "nút thắt cổ chai" khác: thay thế kiểu hải pháo 5 inch/38 caliber đa dụng đang rất cần cho mọi loại tàu chiến (từ thiết giáp hạm cho đến tàu khu trục hạm đội) bằng kiểu pháo 3 inch/50 caliber, vốn cho phép bố trí thêm một khẩu pháo thứ ba bắn thượng tầng tại vị trí B phía trước cầu tàu.[3] Ngoài ra thiết kế gốc yêu cầu có tám động cơ để đạt được tốc độ tối đa 24 hải lý trên giờ (44 km/h); nhưng việc phải nhường ưu tiên cho những chương trình khác khiến chỉ sử dụng bốn cụm động cơ diesel, nên rút ngắn chiều dài lườn tàu và làm giảm tốc độ tối đa khoảng 4 hải lý trên giờ (7 km/h).[7] Thiết kế có lớp vỏ giáp tương đối nhẹ, ví dụ như những tấm thép sử dụng cho lớp Evarts chỉ có chiều dày từ 1/2 inch đến 7/16 inch, trong khi thép 1/4 inch được sử dụng cho phần lớn lườn tàu và sàn tàu.[8]

Kết quả thiết kế là một con tàu có thể chế tạo nhanh chóng (ví dụ Halsted được chế tạo chỉ trong 24,5 ngày[9]) với chi phí chỉ chỉ bằng một nữa so với một tàu khu trục hạm đội,[6] (3,5 triệu Đô la Mỹ[10] so với 10,4 triệu Đô la cho một chiếc tàu khu trục lớp Benson lượng choán nước 1.620 tấn,[11] hoặc 6,4 triệu Đô la cho một chiếc tàu khu trục lớp Hunt.[12])

Vào ngày 15 tháng 8, 1941, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt chuẩn y việc chế tạo 50 chiếc theo thiết kế lớp Evarts mới, số hiệu BDE (British destroyer escort) từ 1 đến 50 như một phần của Chương trình 1799.[3][13] Hải quân Hoàng gia Anh đã đặt hàng vào tháng 11 cho bốn xưởng tàu: Xưởng đóng tàu Hải quân Boston, Xưởng đóng tàu Hải quân Mare Island, Xưởng đóng tàu Hải quân Puget SoundXưởng đóng tàu Hải quân Philadelphia.[6] Khi Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến, họ cũng sử dụng thiết kế BDE.[6] Kiểu xếp lớp BDE được duy trì bởi sáu tàu hộ tống khu trục đầu tiên (BDE 1, 2, 3, 4, 12 và 46) chuyển giao cho Anh. Trong số 50 chiếc được đặt hàng đầu tiên, Hải quân Hoàng gia Anh chỉ nhận được một chiếc, số còn lại được xếp lại lớp thành tàu hộ tống khu trục (DE) vào ngày 25 tháng 1 năm 1943 và chuyển cho Hải quân Hoa Kỳ.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Evarts (lớp tàu hộ tống khu trục) http://www.uboat.net/allies/warships/types.html?ty... http://www.desausa.org/ http://www.ussslater.org/ //www.worldcat.org/issn/0041-798X //www.worldcat.org/oclc/12581195 https://www.eugeneleeslover.com/ENGINEERING/ENGINE... https://books.google.com/books?id=Tzp58htKLkEC&pg=... https://books.google.com/books?id=W4XfAAAAMAAJ https://books.google.com/books?id=a1ZyQgAACAAJ https://web.archive.org/web/20070301070801/http://...